Đặc điểm và xuất xứ của cây keo lai
Dưới đây là một số thông tin cơ bản về keo lai:
Thông tin chung và xuất xứ cây keo lai
Tên khoa học của cây keo lai là Acacia Auriculiformis Mangium, nguồn gốc từ Australia. Chúng còn có tên gọi khác là tràm lai. Keo lai là giống thực vật thuộc họ Đậu (Fabaceae) và họ phụ là họ Trinh Nữ (Mimosoideae).
Đây là giống cây sinh dưỡng được tuyển chọn, là sản phẩm lai tự nhiên giữa hai dòng có năng suất cao là keo lá tràm (Acacia Auriculiformis) và keo tai tượng (Acacia Mangium).
Ngày nay, giống cây này được trồng phổ biến ở Đông Nam Á. Riêng ở Việt Nam, keo lai được trồng rộng rãi trên toàn quốc nhờ vào khả năng chịu khô hạn, phát triển tốt ở hầu hết các dạng đất.
Đặc điểm hình thái
Cây keo lai là cây thân gỗ nhỡ, có thể cao đến 25 – 30m với đường kính lên đến 60 – 80 cm. Thân cây thẳng, phát triển cân đối, màu vàng trắng và có vân gỗ. Cây có cành nhánh nhỏ với tán lá dày và rậm.
Lá cây có hình mác, trên mặt chính có 3 – 4 gân. Hoa của giống cây này có màu vàng nhạt, mọc thành cụm gồm 5 – 6 bông ở nách lá. Mùa hoa nở tầm tháng 3 – 4 hàng năm.
Quả keo lai hình đậu dẹt, khi già cuộn thành hình xoắn ốc, mùa thu hoạch quả vào tháng 7 – 8. Quả khi chín có màu xám, vỏ cứng và nứt.
Keo lai là cây thân gỗ nhỡ, có thể cao đến 25 – 30m
Đặc tính sinh thái
Keo lai có sức sinh trưởng rất nhanh, có thể nhanh gấp 1,5 -2 lần giống cây bố và mẹ.
Đây là giống cây ưa sáng, có thể mọc trên hầu hết các dạng đất có độ pH từ 3 – 7, nhưng phát triển tốt khi trồng trên đất xám và đất feralit. Keo lai có thể chịu được khô hạn, phân bố từ độ cao 500 – 800m so với mực nước biển.
Keo lai có nhiều hạt và có khả năng tự tái sinh bằng hạt. Tuy nhiên, ta nên trồng rừng keo lai bằng cây hom thay vì hạt.
Giá trị kinh tế của cây keo lai có thể bạn chưa biết?
Với khả năng chịu hạn tốt và sinh trưởng nhanh, keo lai mang lại rất nhiều giá trị kinh tế cho người dân. Vậy cây keo lai dùng để làm gì?
Phủ xanh đồi trọc và cải tạo đất
Keo lai là sinh trưởng nhanh và mạnh mẽ, thích nghi được với điều kiện sống khắc nghiệt. Bên cạnh đó, giống cây này rất dễ sống, đặc biệt có thể sống ở khu vực đồi núi hay sườn dốc, nơi có gió khó trồng được các loại cây khác.
Ngày nay, keo lai đang dần được mở rộng quy mô trồng trọt, những đồi trọc trước đây dần được phủ xanh. Ngoài các mục đích kinh tế, người dân còn trồng cây keo lai để cải tạo đất, chống cháy rừng và xói mòn đất.
Keo lai là cây thân gỗ nhỡ, có thể cao đến 25 – 30m
Các khu vực có sườn dốc không thể trồng cây cao su và các loại cây công nghiệp khác, ta có thể trồng keo lai để hạn chế dòng chảy. Rễ cây có khả năng cố định đạm khí quyển trong đất nhờ các nốt sần.
Tại các thành phố lớn, keo lai cũng được trồng để chắn bớt gió bụi tại các công viên và xung quanh các tòa nhà.
Gỗ cây keo lai cho giá trị kinh tế cao
Keo lai là cây lâm nghiệp cung cấp gỗ chủ yếu cho ngành công nghiệp sản xuất giấy. Hiệu suất bột giấy từ cây keo lai lên đến 52,8%.
Có đến 80% gỗ keo lai được sử dụng trong ngành công nghiệp chế biến gỗ. Với những cây keo lâu năm, thân lớn và thẳng, người ta sử dụng để sản xuất đồ nội thất xuất khẩu.
Ngoài ra, đây còn là nguyên liệu phổ biến làm giường, phản kê, pallet gỗ. Những câu keo không đạt giá trị công nghiệp sẽ ứng dụng để làm giàn giáo trong xây dựng.
Làm bóng mát và thanh lọc không khí
Khi cây keo lai ngày càng trở nên phổ biến trong lâm nghiệp, các đồi trọc sẽ được phủ xanh. Thông qua quá trình quang hợp, cây sẽ hấp thụ CO2 và cung cấp thêm Oxy cho bầu không khí bớt ô nhiễm.
Tại các thành phố lớn, người ta cũng trồng cây keo tại các con đường lớn và xung quanh các khu đô thị để cản bụi và tạo thêm bóng mát.