1) Nỗi buồn bị đánh đổi bởi Thú vui.

Năm 2022, tôi về Bảo Lộc để làm việc với những dự án cá nhân của mình. Ở đây có một ngọn núi Đại Bình cao khoảng 1200m so với mặt nước biển. Khi đất núi rừng tầm 5 năm trước trở về trước, người ta sẽ lắc đầu ngao ngán chê đất dốc khó đi, nguy hiểm và ở trong rừng thì “không biết chơi với ai”.

Chính bản thân tôi là một người từng dẫn rất nhiều người khách từ các tỉnh đi trekking ngọn núi này. Nhưng rồi, tôi tạm ngưng không làm nữa. Những chuyến đi đầu tiên, khi thảm thực vật còn đa dạng, tiếng côn trùng rả rích và bóng cây rợp mát. Chúng tôi tận hưởng từng bước đi trong hành trình và biết ơn mẹ thiên nhiên đã tạo nên những thứ đẹp đẽ đến vậy. Thế nhưng,…

Từ cuối năm 2021, chỉ với những lời truyền miệng của con người với nhu cầu “đất view rừng, view núi, view hồ, săn mây”,.. Giá đất rừng bỗng dưng tăng cao. Người lao động quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời – chỉ sau một thời gian ngắn trở thành những đại gia nhà lầu xe hơi. Họ bán hết đất rừng cho những người có nhu cầu xây homestay, khu resort xi măng,... Ngọn núi này bị mổ xẻ vô tội vạ, đường bê-tông trải dài từ chân đến đỉnh núi. Những cây cà phê, cây trà bị bứng gốc nằm la liệt, chỉ chờ làm củi khô. Một thảm cảnh mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy một cách rõ ràng đến vậy.

rung-1-1664925407.jpg

2) Sự thinh lặng trong những tiếng ồn vội vã.

Không còn tiếng chim, không có tiếng suối chảy, không có tiếng côn trùng,…

Xung quanh, tiếng cây đổ, tiếng cưa rầm rầm, tiếng máy đào máy xúc, tiếng máy ủi xen lẫn tiếng nói cười náo nhiệt vang lên trong khu vực. Những chuyến xe chở gỗ chở đất, bụi đỏ làm mắt tôi cay xè.

Sau cùng, khi con thú cuối cùng trong rừng cây biến mất, những cây xanh đổ xuống không thương tiếc. Chỉ mình lại con người mới những miếng bê-tông lạnh giá. Liệu, chúng ta có tự hào mà kể với con cháu đời sau rằng, nơi đây từng là một ngọn núi hùng vĩ, đại ngàn và diệu kì. Tiếc thay, con cháu chúng ta chỉ có thể ngắm nhìn những động thực vật đó qua từng trang sách. Chua xót đến đau lòng.

Cây rừng bị chặt phá, chim chóc thú rừng sẽ ở đâu ? Bảo Lộc 6 tháng mưa và 6 tháng nắng. Mùa mưa thì lấy cây đâu để giữ nước ở trên cao hay đất sẽ bị sạt lở. Mùa khô thì nhiệt độ tăng cao rồi bảo sao khí hậu ở Bảo Lộc lại trở nên khó chịu như vậy. Suy cho cùng, ai có trách nhiệm cho việc này ? Những người xây dựng công trình vô tội vạ bỏ mặc thiên nhiên hay là những người có nhu cầu tận hưởng thiên nhiên “không đúng cách”.

Đây chỉ là một trong những ví dụ cụ thể nhất khi việc khai thác thiên nhiên không có quy hoạch để làm du lịch. Vậy thì, ở Việt Nam sẽ còn bao nhiêu chỗ đã-đang-sẽ trong tình trạng như thế này nữa ?

3) Thú rừng sẽ đi về đâu ?

map-1-1664925407.jpg

Khi những con thú không còn chỗ trú ẩn, chúng sẽ phải tìm đến những nơi còn cây cối để sinh tồn. Không khó bắt gặp tình trạng những con chồn hương, con tê tê, mèo rừng, cheo cheo.. xuất hiện trong rẫy cà phê của người dân. Nhẹ thì bị bắt nhốt nuôi làm cảnh. Còn nặng thì…

Những món thịt rừng tự dâng mình lên bàn nhậu.

Ẩn mình trong chế độ “ẩn danh”, các giao dịch bán thịt rừng trên mạng xã hội nhanh chóng “chốt deal” vì người mua được món lạ - kẻ thu lại cọc tiền.

Rồi ai bị ngộ độc, ai bệnh, ai chết do những món ăn “độc” lạ này,…

Ai sẽ quan tâm ?

Theo Sách Đỏ Việt Nam năm 2007, có 116 loài động vật đang ở mức nguy cấp rất cao và 6 loài chuyển từ mức nguy cấp khác nhau lên mức coi như đã tuyệt chủng: tê giác hai sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá sấu hoa cà,...

Một loài động vật hoang dã biến mất là có thêm một cái tên mới trong Sách đỏ. Thêm một mắt xích trong chuỗi sinh học bị phá vỡ.

Loài còn sót lại, là con người.

4) Tiếng nói của sự im lặng.

lu-lut-1-1664925407.jpg

Lắng nghe đi, tiếng thú rừng đang khóc vì mất nhà. Lắng nghe đi, những cây gỗ đang đổ lệ theo tiếng cưa từ ngày này sang tháng nọ.

Bạn có quyền im lặng, vô tâm và dửng dưng trước những vấn đề nghiêm trọng mà môi trường đang phải hứng chịu. Và chính bạn - cũng phải chịu trách nhiệm cho hành động đó của mình: khói bụi, nhiệt độ tăng cao, đại dịch,…

Tôi kêu gọi tất cả mọi người, dù có thể bạn không biết tôi là ai. Chúng ta cùng hành động và cam kết:

- Không mua, bán, sử dụng Động vật hoang dã dưới bất kì hình thức nào.

- Hạn chế sử dụng các sản phẩm từ gỗ rừng lâu năm.

- Lựa chọn những nơi du lịch xanh.

- Tham gia các dự án nhặt rác, trồng rừng tại địa phương.

- Khuyến khích những người xung quanh hiểu về tầm quan trọng của rừng và động vật hoang dã.

- ….

Rừng sẽ lại hát, muôn thú sẽ trở lại – hoặc là BIẾN MẤT. Tất cả, đều nhờ vào chính hành động của bạn.