Tuy nhiên, Albert Einstein đã từng nói: “Those who have the privilege to know have the duty to act” - “Những người có đặc quyền được biết cũng có trách nhiệm để hành động”. Chỉ ý thức thôi là chưa đủ bởi nếu như ta ví “ý thức” là “điều kiện cần” và “hành động” là “điều kiện đủ” thì để có thể góp phần bảo vệ môi trường, chúng ta cần kết hợp giữa ý thức và hành động.

Có thể nói ai ai trong cuộc sống cũng đã từng được giáo dục hay được nghe nhắc nhở, bảo ban phải giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh - tiền đề cho việc hình thành ý thức, cũng là “điều kiện cần” để có thể bảo vệ môi trường thiên nhiên. Và từ ý thức ấy, con người ta sẽ dần có được hành động thuận theo nhận thức của bản thân, mà cụ thể là hành động góp phần bảo vệ môi trường.

 Mặc dù vậy không phải cá nhân nào cũng có thể kết hợp giữa “điều kiện cần” và “điều kiện đủ” khi còn có một bộ phận nhỏ những người dù miệng luôn nói, hay “ra vẻ” nhắc nhở người khác cần biết giữ gìn thiên nhiên nhưng lại có những hành động trái ngược với điều đó.

Để có thể phần nào lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên, trước tiên ta cần nhìn vào những hành động gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường: vứt rác bừa bãi, chặt phá rừng,... Tất cả những điều ấy đều xuất phát từ chính nhận thức chưa đủ sâu của mỗi cá nhân, từ đó dẫn đến những hành động trái ngược với chính ý thức cá nhân. Tưởng chừng như những hành động tích cực đối với môi trường sẽ được bắt nguồn, gây nên từ ý thức bảo vệ thiên nhiên của mỗi người; thế nhưng, đáng buồn thay khi trái ngược với ý thức tốt là các hành vi tiêu cực gây ảnh hưởng nặng nề tới Mẹ Thiên Nhiên.

y-thuc-hanh-dong-dieu-kien-can-va-du-1710900184.jpg
 

 Không chỉ có vậy, một số cá nhân vẫn còn ích kỷ, sẵn sàng có những hành vi gây ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường để có thể đạt được lợi ích riêng. Ta dễ dàng thấy đằng những phiên chợ đông đúc hay các cửa hàng đồ ăn nhanh chính là lượng lớn rác thải nhựa bị lạm dụng, bởi lẽ suy cho cùng điều họ quan tâm hơn cả là lợi ích cá nhân dù đã có ý thức rõ về tầm quan trọng của môi trường xung quanh. Hay những tên lâm tặc ngày đêm chặt phá rừng cây thiên nhiên, dẫu họ đều biết rằng hành động mà bản thân đang làm là sai trái nhưng chỉ vì chút lợi ích vật chất mà sẵn sàng phá hủy cả một đồi rừng, một hệ sinh thái thiên nhiên.

 Cuối cùng, một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng trên chính là tâm lý ỷ lại vào người khác. Dẫu cho những số liệu tiêu cực về môi trường vẫn ngày ngày được đưa tin, vẫn còn có bộ phận những người bàng quan cho rằng công việc bảo vệ thiên nhiên xung quanh đã có người khác lo. Từ ấy đã dẫn sang một tâm lý chung của những cá nhân ấy, rằng: cũng có biết bao người khác như vậy, nếu chỉ có một mình bản thân thay đổi sẽ không có ích gì.

GIẢI PHÁP

 Đáng buồn thay, có lẽ sẽ không có giải pháp nào có thể giải quyết triệt để vấn đề trên, bởi suy cho cùng, tất cả những hành vi ấy đều xuất phát từ chính nhận thức, ý thức mỗi người. Cá nhân có thể có “ý thức”, nhưng “ý thức” ấy lại chưa đủ để làm nên “hành động”, có “điều kiện cần” nhưng lại chưa có được “điều kiện đủ”.

 Tuy nhiên, nói như vậy không đồng nghĩa với việc không có giải pháp, người ta vẫn thường nói “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Bởi vậy giải pháp hiệu quả và tích cực nhất mà chúng ta có thể làm lúc này là chung tay hành động, tích cực nêu gương sáng, tuyên truyền và giáo dục ý thức những thế hệ trẻ hiện tại và sau này. Có như vậy, ý thức bảo vệ môi trường mới được lan tỏa một cách rộng rãi và có hiệu quả. Đồng thời, góp phần không nhỏ tới công cuộc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ chính cuộc sống tương lai của nhân loại

 Và bạn, bạn nghĩ sao về vấn đề trên?